Hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn 10 năm nhìn lại

Hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được thực hiện thông qua chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp được quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về Khuyến công.

Thực hiện Nghị định 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công và các văn bản hướng dẫn của Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2012-2022 Sở Công Thương đã tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn ban hành các văn bản quy phạm về công tác khuyến công. Hàng năm, Sở Công Thương tổng hợp, thẩm định trình UBND tỉnh, Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) xem xét phê duyệt kế hoạch khuyến công trong đó bám sát mục tiêu, quy định. Ngay khi được Bộ Công Thương, UBND tỉnh phê duyệt, Sở Công Thương giao và chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tổ chức triển khai các đề án, nhiệm vụ khuyến công; đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện và sử dụng kinh phí của các đề án, nhiệm vụ khuyến công đảm bảo phát huy hiệu quả, theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được  phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội (Hội Nông dân tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hội doanh nghiệp tỉnh, các Viện nghiên cứu, trường đào tạo...) nhằm thúc đẩy hoạt động khuyến công; Công tác phân cấp trong công tác quản lý, điều hành thực hiện hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn cụ thể và thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã và các cơ quan chuyên môn trên cơ sở quy chế quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công địa phương của tỉnh; Hoạt động lồng ghép chương trình khuyến công với các dự án, chương trình khác đã được quan tâm thực hiện, như: Chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề cho lao động nông thôn,… để góp phần đồng hành cùng với các nguồn vốn khác của xã hội đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn.

Kết quả thực hiện hoạt động khuyến công

Từ năm 2012-2022 tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện được 185 đề án với tổng kinh phí thực hiện từ Ngân sách Nhà nước là 14.298,81 triệu đồng, tổng kinh phí đối ứng của các đơn vị thụ hưởng là 76.419,32 triệu đồng (bao gồm: 34 đề án khuyến công quốc gia, tổng kinh phí hỗ trợ là 7.585,48 triệu đồng, tổng kinh phí đối ứng của các đơn vị thụ hưởng là 63.916 triệu đồng; 151 đề án khuyến công địa phương, tổng kinh phí hỗ trợ là 6.713,33 triệu đồng, tổng kinh phí đối ứng của các đơn vị thụ hưởng là 12.503,32 triệu đồng). Trong đó:

- Tổ chức được 24 lớp đào tạo nghề, khởi sự doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý cho 850 học viên của các Doanh nghiệp, Hợp tác xã trên địa bàn toàn tỉnh; Hỗ trợ 158 gian hàng giới thiệu sản phẩm của 66 cơ sở CNNT tham gia hội chợ triển lãm trong nước; Hỗ trợ xây dựng và đăng ký được 03 thương hiệu sản phẩm của 03 cơ sở CNNT. Hiện nay, các thương hiệu (nhãn hiệu) được hỗ trợ đang duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, các sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao về chất lượng sản phẩm.

- Hỗ trợ thành lập 27 doanh nghiệp công nghiệp nông thôn từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia; Hỗ trợ 54 cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm, marketing sản phẩm, quản lý sản xuất (hỗ trợ thiết kế được 62 mẫu mã bao bì sản phẩm: miến dong, rượu, bún khô, phở khô, chè, tinh nghệ, curcumin nghệ, bánh kẹo, cơm cháy, mật ong, gạo nếp…). Hiện nay, các đơn vị được hỗ trợ đang duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, cung cấp sản phẩm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của thị trường.

- Tổ chức được 06 lần bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểucấp tỉnh, tôn vinh được 90 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh của 60 cơ sở CNNT. Trên cơ sở kết quả bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, Hội đồng bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu tỉnh Bắc Kạn đã đề xuất lựa chọn, đăng ký các sản phẩm tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực phía Bắc (kết quả đã có 20 sản phẩm CNNT tiêu biểu trên địa bàn tỉnh được tôn vinh là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực phía Bắc và 03 sản phẩm được công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia).

- Hỗ trợ xây dựng 04 mô hình trình diễn kỹ thuật (chế biến nông sản, thực phẩm), kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 1.720,0 triệu đồng. Trong đó, tiêu biểu là một số mô hình như: Mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất miến dong của Hộ kinh doanh Nguyễn Văn Thiện, thôn Nà Ngò, xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể; Kinh phí hỗ trợ đề án từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2015 là 350,0 triệu đồng. Hiện nay, hộ kinh doanh đầu tư sản xuất ổn định, sản lượng miến dong trung bình đạt 550 tấn/năm, doanh thu 36 tỷ đồng, tạo việc làm cho 55 lao động tại địa phương (bao gồm cả lao động thời vụ) với thu nhập bình quân 4,5-5 triệu đồng/người/tháng; Sản phẩm Miến dong Nhất Thiện nhiều năm liền đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp, là sản phẩm duy nhất của Bắc Kạn được bình chọn là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia 03 kỳ liên tiếp (2015, 2017, 2019); Mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm Vi-cumax nano Curcumin dạng tuýp của Công ty Cổ phần công nghệ dược liệu Bắc Hà, thôn Nam Đội Thân, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn; Kinh phí hỗ trợ đề án từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2020 là 900 triệu đồng. Hiện nay, công ty đầu tư sản xuất ổn định, sản lượng sản phẩm trung bình đạt 50.000 sản phẩm/năm, doanh thu 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho 30 lao động tại địa phương (bao gồm cả lao động thời vụ) với thu nhập bình quân 6,7-7,1 triệu đồng/người/tháng; Quy trình sản xuất, đóng gói sản phẩm Vi-cumax Nano Curcumin dạng tuýp đã được vận hành ổn định, tạo ra sản phẩm theo tiêu chuẩn GMP của Bộ Y tế, sản phẩm Vi-cumax Nano Curcumin được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, khu vực phía Bắc năm 2022.

- Hỗ trợ 122 cơ sở CNNT đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (chế biến nông, lâm sản, thực phẩm và sản xuất vật liệu xây dựng, phụ tùng cơ khí), tổng kinh phí hỗ trợ 8.135,05 triệu đồng (trong đó: 24 cơ sở được hỗ trợ từ đề án khuyến công quốc gia với kinh phí 4.420,0 triệu đồng; 98 cơ sở được hỗ trợ từ đề án khuyến công địa phương với kinh phí hỗ trợ là 3.715,05 triệu đồng). Ngoài ra, năm 2017 Sở Công Thương đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 triển khai thực hiện đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất tấm lợp cách âm, cách nhiệt và phụ kiện kim loại” với kinh phí hỗ trợ là 400,0 triệu đồng tại phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn. Hoạt động hỗ trợ đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.

- Hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết 01 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2022 (cụm công nghiệp Pù Pết, huyện Ngân Sơn có diện tích giai đoạn I là 16,7ha với nhóm ngành nghề chế biến nông, lâm sản, thức ăn chăn nuôi, sản xuất nấm ăn thương phẩm, phân hữu cơ vi sinh)

- Thực hiện được 78 chuyên mục tuyên truyền hoạt động Công Thương trên kênh truyền hình Bắc Kạn và Báo Bắc Kạn (gồm có 46 chuyên mục phát trên truyền hình Bắc Kạn và 32 bài viết đăng trên Báo Bắc Kạn). Ngoài ra, thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công còn thường xuyên được cập nhật trên trang thông tin điện tử của Sở Công Thương, được phổ biến thông qua các hội nghị, hội thảo và tuyên truyền trực tiếp tại các cơ sở CNNT. Các chuyên mục, thông tin tuyên truyền về hoạt động Công Thương trên địa bàn tỉnh đã giúp cộng đồng các doanh nghiệp, cơ sở CNNT nhận thức được rõ nét hơn vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp nông thôn trong chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.

- Tổ chức được 01 hội nghị tập huấn công tác khuyến công cho 80 đại biểu là đại diện của các xã, phường, thị trấn, phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, phòng kinh tế thành phố. Hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai các chương trình đề án khuyến công và khảo sát cơ sở phục vụ xây dựng kế hoạch khuyến công hằng năm.

Đánh giá kết quả thực hiện

- Mặt được: Trong giai đoạn 2012-2022, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện hỗ trợ 255 lượt cơ sở CNNT, trong đó: 48 Doanh nghiệp nhỏ và vừa, 77 Hợp tác xã, 130 Hộ kinh doanh (các cơ sở CNNT được thụ hưởng chính sách khuyến công tại tỉnh Bắc Kạn đều thuộc địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn). Các đề án khuyến công đã phần nào tác động tích cực đến hoạt động của các cơ sở CNNT, trong đó ưu tiên hỗ trợ sản xuất sản phẩm mà tỉnh có lợi thế về vùng nguyên liệu, như chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng, kịp thời động viên khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa.

- Tồn tại, hạn chế: Một số lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển còn kém bền vững, tốc độ tăng trưởng chưa cao, sức cạnh tranh của sản phẩm còn thấp, chưa phát huy tốt nguồn lực cho phát triển sản xuất. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới cách thức sản xuất trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn chậm, chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng nhiều mặt hàng thấp. Dẫn đến việc lựa chọn thực hiện các chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh chưa được đa dạng và chưa tạo mạnh sự chuyển biến cho ngành công nghiệp của tỉnh; Đa số các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, năng lực tài chính, quản trị còn hạn chế nên một số đơn vị thụ hưởng đề án khuyến công chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, sơ chế sản phẩm, chưa thực sự phát huy hết tiềm năng của địa phương về vùng nguyên liệu để chế biến sâu, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, bền vững; Tỉnh Bắc Kạn chưa bố trí được mạng lưới cộng tác viên khuyến công ở cấp huyện, xã trong khi phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện và phòng Kinh tế thành phố chưa có cán bộ khuyến công chuyên trách để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất nắm bắt và tiếp cận các chính sách về khuyến công để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh nên tiến độ, chất lượng đăng ký, thực hiện một số đề án khuyến công chưa đảm bảo, phải điều chỉnh.

Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế

- Các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh chưa quan tâm đến việc mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh nên thường gặp khó khăn về tài chính đối ứng khi đăng ký thực hiện các đề án khuyến công.

- Các cơ sở CNNT của tỉnh sản xuất các sản phẩm chủ yếu là chế biến từ nguyên liệu nông, lâm sản, thực phẩm. Sản phẩm sản xuất ra đã có mẫu mã, bao bì, nhưng phần lớn chưa đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm và sản lượng còn thấp nên gặp nhiều khó khăn cho công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm.

- Nguồn kinh phí hỗ trợ từ hoạt động khuyến công địa phương được phê duyệt trong dự toán hàng năm còn thấp, do đó mức chi hỗ trợ cho các đề án khuyến công địa phương còn hạn chế, chưa thực sự tạo động lực khuyến khích cơ sở CNNT đầu tư phát triển sản xuất. 

Phương hướng, giải pháp chủ yếu đẩy mạnh hoạt động khuyến công trong thời gian tới

Một là: Rà soát, xây dựng, sửa đổi và bổ sung hệ thống văn bản pháp luật của tỉnh quy định về hoạt động khuyến công cho phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; Xây dựng chương trình khuyến công địa phương giai đoạn 2021- 2025 để làm căn cứ xây dựng kế hoạch thực hiện cho từng năm.

Hai là: Phát huy hiệu quả bộ máy hoạt động của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại. Củng cố và tăng cường hiệu quả công tác khuyến công từ cơ sở. Thực hiện tốt chức năng phục vụ quản lý nhà nước ngành Công Thương, đảm bảo hoạt động cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực khuyến công; Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp trong việc triển khai công tác khuyến công. Phân công cán bộ phụ trách khuyến công tại các Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, thành phố nhằm tăng cường hiệu quả công tác khảo sát, lập và triển khai thực hiện các đề án khuyến công.

Ba là: Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động thông tin, tuyên truyền cho công tác khuyến công nhằm phổ biến sâu rộng chính sách này tới các cơ quan, đoàn thể, các doanh nghiệp, cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao hơn nữa sự gắn kết giữa cơ quan quản lý nhà nước trong triển khai thực hiện chính sách khuyến công. Qua đó phối hợp lồng ghép chương trình khuyến công với thực hiện các dự án, chương trình mục tiêu khác nhằm gia tăng nguồn lực thực hiện, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Bốn là: Đề nghị Bộ Công Thương xem xét tăng mức hỗ trợ kinh phí cho mỗi đề án khuyến công nhằm thu hút các cơ sở CNNT mạnh dạn đầu tư vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Các hoạt động khuyến công hỗ trợ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2012 – 2022 đã khẳng định được vai trò là động lực quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT thuận lợi trong tiếp cận các cơ hội phát triển, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế và góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương./.

Bài và ảnh: Đăng Tùng

TRANG THÔNG TIN GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NGHÀNH CÔNG THƯƠNG BẮC KẠN

  • Địa chỉ: 34 Đường Trường Chinh - Thành Phố Bắc Kạn - Tỉnh Bắc Kạn.
  • Điện thoại: 0209-3810 292 - Fax: 0209-3810 292
  • Email: ttkcxt.ct@backan.gov.vn - khuyencongbackan@gmail.com
Giấy phép số 61/GP-TTĐT ngày 11/08/2023 của GĐ Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Kạn
Trưởng ban biên tập: Quách Mạnh Thắng - Giám đốc Trung tâm khuyến công và XTTM
Email: thangqm.ct@backan.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin giao dịch điện tử nghành Công thương Bắc Kạn" hoặc "http://xttmbackan.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này