Phát triển công nghiệp chế biến trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Giai đoạn 2020-2025, tỉnh Bắc Kạn sẽ tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông lâm sản và dược liệu. Đây là một trong mục tiêu quan trọng đã được Đảng bộ tỉnh khóa XII đề ra để phát triển kinh tế của địa phương.

Tạo ra sản phẩm lợi thế có sức cạnh tranh

Những năm trở lại đây, trong cơ cấu nội ngành công nghiệp của tỉnh Bắc Kạn thì công nghiệp khai khoáng vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất. Tuy nhiên, công nghiệp chế biến lại có xu hướng phát triển, dần trở thành ngành công nghiệp chính của tỉnh. Có được kết quả này là do Bắc Kạn đã chủ động triển khai những cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương.

Giai đoạn 2015-2020, đối với những sản phẩm mang tính đặc sản hiện còn sản xuất ở quy mô nhỏ, tỉnh khuyến khích, hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư máy móc, trang thiết nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu thông qua chương trình OCOP, chương trình khuyến công. Cụ thể như năm 2019, tỉnh đã hỗ trợ máy móc cho HTX Mai Lạp (Chợ Mới) sản xuất măng khô; máy xát gạo liên hoàn cho HTX Yến Dương (Ba Bể) để phát triển sản phẩm gạo nếp tài; hỗ trợ máy móc chế biến bún khô cho HTX Hồng Luân (Chợ Đồn); máy móc chế biến chè Shan tuyết cho Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và Chế biến dược liệu Ngọc Thắng (Chợ Đồn); máy móc, thiết bị chế biến sản xuất rượu cho HTX OCOP Quế Thanh (Chợ Đồn); máy sấy măng khô cho HTX Đại Hà (Bạch Thông); dây chuyền sản xuất tinh dầu cho HTX Hương Ngàn (Bạch Thông)… Sau khi được hỗ trợ, hầu hết các cơ sở chế biến đều phát huy hiệu quả, các sản phẩm được sản xuất ra vừa đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, vừa nâng cao được giá trị hàng hóa, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ. Điển hình là, đến thời điểm hiện tại, Bắc Kạn đã có 15 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được sản xuất từ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh được tôn vinh là Sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực phía Bắc và 02 sản phẩm được công nhận là Sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia; hơn 100 sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Đối với những sản phẩm có khả năng mở rộng quy mô sản xuất, tỉnh tích cực triển khai các chính sách ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, ưu tiên công nghệ chế biến tiên tiến, thân thiện môi trường, tạo ra giá trị kinh tế cao. Nhờ vậy, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số dự án hoàn thành, góp phần nâng cao giá trị sản xuất như: Nhà máy Chế biến gỗ của Công ty Cổ phần Govina, Nhà máy Chế biến gỗ của Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam, Nhà máy Chế biến nông sản của Công ty Cổ phần Misaki Việt Nam tại Khu Công nghiệp Thanh Bình.


Ảnh: Chế biến gỗ tại Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam, Khu Công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới

Phát triển mạnh công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông - lâm sản và dược liệu

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã hình thành một số vùng nguyên liệu, phát triển mô hình sản xuất mới, như: Vùng trồng cây dong riềng, vùng trồng cam quýt, vùng trồng chè, vùng trồng chuối tây...., bước đầu tạo được vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa phục vụ cho công tác chế biến các sản phẩm nông sản đặc sản của địa phương được thị trường ưu chuộng.

Cùng với đó, toàn tỉnh hiện có trên 97.000 ha đất trồng rừng sản xuất, đây là vùng nguyên liệu khá lớn để đáp ứng cho chế biến; có trên 4.000 ha là cây vầu nứa xen cây gỗ/250.000 ha rừng tự nhiên, thế mạnh để phát triển khai thác chế biến các loại lâm sản ngoài gỗ, như: Măng các loại, giấy đế, đũa xuất khẩu... Đặc biệt, với địa hình vùng cao, chia cắt, có nhiều vùng khí hậu thích hợp phát triển các vùng trồng loài cây dược liệu dưới tán rừng, đây là lợi thế để Bắc Kạn phát triển sản xuất, chế biến dược liệu, đảm bảo có truy xuất nguồn gốc và đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Trên cơ sở những tiềm năng, thế mạnh kể trên, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đề ra mục tiêu phát triển mạnh công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông - lâm sản và dược liệu, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Theo đó, Bắc Kạn tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư công nghiệp chế biến ra sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu thông qua các giải pháp như: Ban hành các chính sách ưu đãi cho các nhà máy, doanh nghiệp thu mua nguyên liệu và chế biến trên địa bàn tỉnh; phân vùng nguyên liệu cho các doanh nghiệp, nhà máy để tránh chồng chéo và đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến, giúp doanh nghiệp đảm bảo ký được các hợp đồng cung cấp sản phẩm ổn định; khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sơ chế, chế biến, chiết xuất, bảo quản dược liệu hiện có trên địa bàn tỉnh nâng cấp, cải tạo đồng bộ về cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ, đổi mới trang thiết bị; hỗ trợ, củng cố, liên kết các cơ sở chế biến chăn nuôi nhỏ hiện có của người dân; tập trung hỗ trợ các cơ sở giết mổ, các HTX nâng cao công suất chế biến sản phẩm thịt trâu, bò và lợn địa phương… Ngoài ra, tiếp tục xây dựng các đề án khuyến công hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất sản phẩm tiêu biểu phù hợp với tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của tỉnh; xây dựng đề án hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn; các đề án hỗ trợ cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ, sử dụng nhiều lao động…/.  

Nguồn: backan.gov.vn 

TRANG THÔNG TIN GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NGHÀNH CÔNG THƯƠNG BẮC KẠN

  • Địa chỉ: 34 Đường Trường Chinh - Thành Phố Bắc Kạn - Tỉnh Bắc Kạn.
  • Điện thoại: 0209-3810 292 - Fax: 0209-3810 292
  • Email: ttkcxt.ct@backan.gov.vn - khuyencongbackan@gmail.com
Giấy phép số 61/GP-TTĐT ngày 11/08/2023 của GĐ Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Kạn
Trưởng ban biên tập: Quách Mạnh Thắng - Giám đốc Trung tâm khuyến công và XTTM
Email: thangqm.ct@backan.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin giao dịch điện tử nghành Công thương Bắc Kạn" hoặc "http://xttmbackan.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này