Nông sản Bắc Kạn – tiềm năng và lợi thế

Những năm qua, với việc đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn giống cây phù hợp, mở rộng diện tích canh tác, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa. Đến nay, các sản phẩm nông sản đã có sự phát triển khá đa dạng và phong phú, bước đầu đã có sản phẩm trở thành hàng hóa, một số sản phẩm có thương hiệu, được người tiêu dùng trong nước và nước ngoài biết đến; sản phẩm nông sản có thế mạnh của tỉnh ngày càng được mở rộng, phát triển và từng bước đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Từ quả bí thơm Ba Bể đã chế biến ra sản phẩm Trà bí thơm Ba Bể mang hương vị đặc trưng riêng của vùng miền. Sản phẩm Trà bí thơm Ba Bể đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, chứng nhận VSATTP và chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Có tác dụng tốt cho gan, thận, giải nhiệt, tốt cho hệ tiêu hóa, người bị tiểu đường. Đặc biệt mùi hương dễ uống, dịu mát và an toàn. Trà bí thơm là sản phẩm chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho người dân, xây dựng chuỗi giá trị, thương hiệu đặc sản nông sản Bắc Kạn góp phần giúp cây bí thơm Ba Bể phát triển bền vững. Quả Bí tươi có thể chế biến ra nhiều món ăn ngon trong bữa cơm hàng ngày, như xào, luộc, nấu canh, hoặc làm nộm.

(Hình ảnh vườn Bí xanh thơm khi vào mùa thu hoạch)

Khẩu Nua Lếch là giống lúa nếp bản địa quý ở huyện Ngân Sơn, được đồng bào dân tộc nơi đây duy trì canh tác từ bao đời nay. Lúa nếp Khẩu Nua Lếch có đặc trưng riêng với những giá trị vượt trội là khi nấu gạo rất dẻo, vị đậm, mùi thơm ngào ngạt, cây lúa chống chịu tốt với sâu bệnh và tác động của các điều kiện ngoại cảnh… Sự khác biệt làm nên thương hiệu Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn đó chính là chất lượng của sản phẩm, hạt gạo tròn, màu trắng sáng, khi đưa vào chế biến mùi hương thơm khác biệt so với các sản phẩm gạo nếp khác.

Cây dong riềng là cây trồng bản địa, được người dân tỉnh Bắc Kạn gây trồng từ lâu để chế biến ra sản phẩm miến dong. Diện tích trồng dong riềng của tỉnh tập trung chủ yếu tại các huyện Na Rì, Ba Bể, một số ít diện tích được trồng tại huyện Bạch Thông và Chợ Mới. Cây Dong riềng được đánh giá là cho năng suất cao, thích hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh, là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Miến dong Bắc Kạn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận chỉ dẫn địa lý, hiện nay đã có sản phẩm Miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan đạt chứng nhận OCOP 5 sao. Các sản phẩn miến dong Bắc Kạn nói chung đã đạt OCOP 3 sao, được tiêu thụ ổn định trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

(Sản phẩm Miến dong của HTX Tài Hoan)

Chè là cây công nghiệp dài ngày, được trồng khá phổ biến ở các tỉnh miền núi phía Bắc của Việt Nam trong đó có tỉnh Bắc Kạn. Cây chè với ưu thế trồng một lần cho thu hoạch nhiều năm, sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh cao nên cây chè đang được coi là cây trồng thế mạnh của một số huyện như: Ba Bể, Chợ Đồn và Chợ Mới. Sản phẩm chè được một số doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư nhà xưởng, thiết bị sản xuất, sản xuất ra những sản phẩm chè đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, mang lại giá trị cao.

Cây chuối là cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh. Hiện nay cây chuối cơ bản được sản xuất theo hướng hàng hóa và đưa vào chế biến thành các sản phẩm chuối sấy dẻo, rượu chuối… được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Ngoài Chuối sấy dẻo, Quýt Bắc Kạn, Hồng không hạt cũng là loại quả được người tiêu dùng ưa chuộng, giá thành ổn định, mang lại giá trị kinh tế cao cho người sản xuất.

Bên cạnh các sản phẩm trên, Bắc Kạn còn nhiều sản phẩm nông sản chế biến đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng như măng khô, lạp sườn, bún, phở khô, ...

Ngoài công tác tuyên truyền theo phương thức truyền thống như tham gia các hội chợ triển lãm, hội nghị hội thảo, kết nối cung cầu,... bên cạnh việc củng cố chất lượng sản phẩm, phương thức quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, đưa nông sản đến tay người tiêu dùng, nhằm thay đổi theo sự phát triển của công nghệ thì sàn Thương mại điện tử, livetream, tiktoc hiện đang là sự lựa chọn hợp lý cho việc phát triển và nâng tầm giá trị nông sản, từng bước đưa các sản phẩm nói chung của tỉnh Bắc Kạn vươn xa hơn, đến được tận tay người tiêu dùng nhiều hơn.

(Sản phẩm của Bắc Kạn tham gia tại Hội chợ trong nước - Ảnh: sưu tầm)

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xúc tiến thương mại ngày càng được đa dạng hóa, cách thức tiếp cận thị trường qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ ngày càng được chú trọng, tổ chức được hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài. Nhiều sản phẩm nông sản của địa phương đã đáp ứng yêu cầu của thị trường phân phối./.

- Tin và ảnh: Hoàng Loan -

 

TRANG THÔNG TIN GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NGHÀNH CÔNG THƯƠNG BẮC KẠN

  • Địa chỉ: 34 Đường Trường Chinh - Thành Phố Bắc Kạn - Tỉnh Bắc Kạn.
  • Điện thoại: 0209-3810 292 - Fax: 0209-3810 292
  • Email: ttkcxt.ct@backan.gov.vn - khuyencongbackan@gmail.com
Giấy phép số 61/GP-TTĐT ngày 11/08/2023 của GĐ Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Kạn
Trưởng ban biên tập: Quách Mạnh Thắng - Giám đốc Trung tâm khuyến công và XTTM
Email: thangqm.ct@backan.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin giao dịch điện tử nghành Công thương Bắc Kạn" hoặc "http://xttmbackan.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này