QUẢNG BÁ, XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI CÁC SẢN PHẨM HÀNG HÓA CỦA TỈNH NĂM 2021
Năm 2021 là năm khó khăn đối với các lĩnh vực nói chung và xúc tiến thương mại nói riêng, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 dẫn đến đại đa số các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống vốn đòi hỏi sự giao lưu trực tiếp giữa nhà cung ứng, nhà phân phối, người mua hàng, nhà xuất khẩu, nhập khẩu không thể thực hiện được. Việc lên kế hoạch cho hoạt động xúc tiến thương mại cũng khó triển khai do diễn biến của dịch bệnh không thể lường trước. Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại đã được chuẩn bị rất công phu nhưng phải hủy đột xuất do các làn sóng Covid-19 đã gây không ít thiệt hại về tài chính, nhân lực.
Tuy nhiên, trong sự khó khăn đó, với nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, duy trì sự kết nối với đối tác, phát triển thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, với sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, Sở Công Thương cùng với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trong tỉnh đã nỗ lực tìm nhiều giải pháp và nhanh chóng chuyển đổi cách thức xúc tiến thương mại mà cơ bản là đẩy mạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu thông qua môi trường điện tử và các nền tảng công nghệ số; tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu các sản phẩm hàng hóa thông qua xây dựng các chuyên mục, phóng sự, tin bài, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng (kênh VTV1, Đài THVN,….), các trang thông tin điện tử của tỉnh, Website giao dịch điện tử ngành Công Thương,… đồng thời thường xuyên tổng hợp, cung cấp các thông tin về sản phẩm, số lượng, tiêu chuẩn chất lượng, mùa vụ các sản phẩm của tỉnh để đề nghị các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và các cơ quan trung ương, các sở Công Thương các tỉnh, thành phố hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp, nhà phân phối, hệ thống siêu thị trong nước tìm hiểu và kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Thực tế cho thấy, đây là hướng đi phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân và trở thành giải pháp hiệu quả, phù hợp với điều kiện dịch bệnh, vừa dần tạo ra một kênh tiêu thụ an toàn, hiệu quả, bền vững, vừa đảm bảo giá cả, giúp gây dựng thương hiệu cho nông dân và hàng nông sản và các sản phẩm đặc trưng của tỉnh với lợi thế tốc độ nhanh, phạm vi tiếp cận rộng, chi phí thấp hơn so với thương mại truyền thống, việc tiêu thụ hàng hóa trên kênh thương mại điện tử được xác định là giải pháp cứu cánh, trở thành xu thế kinh doanh tất yếu cho tiêu thụ sản phẩm nông sản và các sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Xu hướng này càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2021 đến nay, các mặt hàng nông sản (miến dong, sản phẩm từ củ nghệ, bí xanh, bí phấn, cam, quýt,….) đã và đang được đưa lên rất nhiều sàn thương mại điện tử với các quy mô khác nhau như các sàn thương mại điện tử như: Sendo, Voso, Shopee, Postmart,... và được sự đón nhận tích cực của người tiêu dùng, nhiều sản phẩm đã có những đơn hàng trong các hệ thống siêu thị lớn tại thành phố Hà Nội như sản phẩm miến dong, bí xanh, bí phấn, cam, quýt,… đã có mặt trong hệ thống chuỗi siêu thị của Vincom, Big C,…. Điều này đã khẳng định giải pháp đổi mới hoàn toàn phù hợp với bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thay thế cho nhiều hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống bị dừng đột ngột, đồng thời bắt nhịp nhanh nhạy với chuyển đổi số trong nền kinh tế.
Bên cạnh các kết quả đạt được, từ thực tế triển khai thấy rằng các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh còn khá lúng túng khi chưa biết bắt đầu từ đâu, hay còn tâm lý “ngại thay đổi” vì chưa thực sự hiểu rõ về bản chất của hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để xúc thành công đồng thời hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến ngoài việc mang lại nhiều lợi thế về thời gian, chi phí và tương tác thì cũng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro về xác thực thông tin mà những doanh nghiệp ít kinh nghiệm có thể chưa nhận biết được.
Trong thời gian tới, các doanh nghiệp, hợp tác xã muốn tận dụng lợi thế của xúc tiến thương mại trực tuyến, cần thường xuyên tìm hiểu, cập nhật xu hướng xúc tiến thương mại trực tuyến và phải xác định nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để tiến tới có chiến lược, lộ trình cụ thể cho hoạt động chuyển đổi số của mình đồng thời cần tăng cường cải thiện tốc độ, năng lực giao tiếp để tạo ấn tượng, “ghi điểm” với khách hàng về sự chuyên nghiệp, tin cậy trong kinh doanh, mặt khác, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh cần nâng cao kỹ năng tìm kiếm, phân tích thông tin và nghiên cứu thị trường trên môi trường mạng, từ đó, nâng cao năng lực nhận biết và quản trị rủi ro trong thương mại quốc tế đồng thời cần linh hoạt vận dụng và phối kết hợp các hình thức trực tiếp và trực tuyến để luôn có được góc nhìn đa chiều về khách hàng, thị trường và tăng năng lực chủ động ứng phó với các tình huống trong kinh doanh.
Nhằm nâng cao công tác xúc tiến thương mại, tăng cường liên kết, kết nối cung - cầu hàng hóa, Sở Công Thương cùng với các sở, ban, ngành sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tiếp cận thị trường thông qua các kênh thông tin, tiếp thị, xúc tiến thương mại tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục duy trì, cải tiến và không ngừng sáng tạo trong phương thức tổ chức để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất hiệu quả hơn; tăng cường hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đồng thời, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian,… cũng sẽ là cơ hội để người nông dân thích ứng và bắt nhịp với xu hướng thương mại hiện đại trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào toàn bộ quy trình sản xuất đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác khảo sát tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các hội chợ triển lãm và hoạt động kết nối cung - cầu tiêu thụ hàng hóa khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát.
(Bản tin công tác xây dựng Đảng số 12 - 2021)
Nguyễn Văn Hùng - Trưởng phòng XTTM-TH - Trung tâm KC và XTTM