Phát triển bền vững sản phẩm Miến dong Bắc Kạn

Sản phẩm miến dong Bắc Kạn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, được tiêu thụ tốt trên thị trường trong và ngoài tỉnh với giá cả ổn định, sản phẩm miến dong của hợp tác xã Tài Hoan đã xuất khẩu sang Cộng hòa Séc.

Miến, trong đó có miến dong, là món ăn quen thuộc đối với người dân Việt Nam, đặc biệt món ăn dân dã này không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết và những ngày trọng đại khác trong gia đình người Việt Nam. Do có lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ưu đãi, giống cây dong riềng (nguyên liệu làm miến dong) trồng ở Bắc Kạn phát triển tốt, chất lượng hơn hẳn các nơi khác, khiến miến dong nơi đây thơm, ngon.

Miến dong Bắc Kạn có màu trắng xám sáng, hơi đục pha ánh vàng, sợi miến khô dai. Ngoài ra, miến dong Bắc Kạn còn có đặc thù về hàm lượng tro không tan (0,030 – 0,036%) và vitamin B1 (6,17 – 9,04 µg/100g tinh bột). Danh tiếng và chất lượng đặc thù của miến dong Bắc Kạn có được là nhờ củ dong riềng nguyên liệu. Miến dong Bắc Kạn là sản phẩm được chế biến từ 100% củ dong riềng nguyên liệu được trồng tại 73 xã thuộc 7 huyện và thành phố Bắc Kạn của tỉnh Bắc Kạn. Khu vực địa lý trồng củ dong riềng nguyên liệu có các điều kiện đặc thù về thổ nhưỡng.

Ngoài ra, kỹ thuật sản xuất miến dong đặc thù tại khu vực địa lý cũng là điều kiện tạo nên tính chất riêng của miến dong Bắc Kạn, nhất là ở công đoạn ngâm, tẩy trắng miến, công đoạn phơi, sấy. Tinh bột dong riềng (khô hoặc ướt) được ngâm với nước sạch để làm trắng. Kỹ thuật phơi sấy chính là yếu tố tạo nên sợi miến khô dai của loại miến này.

Sản phẩm miến dong Bắc Kạn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, được tiêu thụ tốt trên thị trường trong và ngoài tỉnh với giá cả ổn định, sản phẩm miến dong của hợp tác xã Tài Hoan đã xuất khẩu sang Cộng hòa Séc. Tuy nhiên qua đánh giá thực trạng sản xuất từ năm 2020 đến nay diện tích trồng cây dong riềng đều không đạt kế hoạch giao và đang giảm dần diện tích qua từng năm; năm 2020, 2021 đạt 93% kế hoạch, năm 2022 diện tích trồng là 445 ha, đạt 84% kế hoạch, bình quân hằng năm mới đạt 58,5% so với mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2020 - 2025. Diện tích trồng cây dong riềng giảm qua các năm là do một số nguyên nhân như: Giá phân bón tăng cao; thiếu lao động nông nghiệp do lao động chuyển sang đi làm tại các công ty, doanh nghiệp, giá bán củ dong riềng thấp ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng, quá trình canh tác chưa thực sự có sự chỉ đạo, vào cuộc của cơ quan chuyên môn dẫn đến người dân chưa thâm canh trong sản xuất, phụ phẩm cây dong riềng chưa được xử lý để tạo phân hữu cơ cải tạo đất, một số địa phương lơ là, thiếu sự quan tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo mục tiêu phát triển cây dong riềng và sản xuất miến dong, từ đó sự liên kết giữa người trồng dong riềng và chế biến miến dong không chặt chẽ, ổn định, thiếu sự hài hòa về lợi ích giữa người sản xuất miến dong và người trồng dong (do giá dong riềng nguyên liệu thu mua thấp)… Chế biến miến dong bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên đa số các cơ sở sản xuất miến dong trên địa bàn tỉnh còn sản xuất nhỏ lẻ, khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng hệ thống máy móc tự động hóa, công nghệ còn hạn chế, các sản phẩm chưa được nâng cấp, chưa phân khúc được thị trường để tạo các sản phẩm cao cấp, có giá trị kinh tế cao... Tồn tại, hạn chế trong sản xuất dong riềng và sản phẩm miến dong dẫn đến nguy cơ làm mất thương hiệu và giảm diện tích, sản lượng, giá trị củ dong và miến dong.

Sản phẩm Miến dong Tài Hoan

Nhằm phát triển cây dong riềng và sản phẩm miến dong bền vững, trong thời gian tới yêu cầu các Sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng hệ thống các giải pháp kỹ thuật để khắc phục hạn chế trong phát triển các diện tích trồng dong riềng (tổ chức hướng dẫn kỹ thuật trồng thâm canh, bón phân, quản lý dịch hại, xác định vùng trồng để phát triển đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ....) khôi phục vùng trồng dong riềng đảm bảo phát triển theo mục tiêu giao tại Kế hoạch số 775/KH-UBND ngày 25/12/2020 của UBND tỉnh.

- Sở Công Thương tham mưu các giải pháp khôi phục, củng cố hệ thống các cơ sở chế biến miến dong; hướng dẫn, định hướng các cơ sở chế biến tùy theo năng lực của từng cơ sở để hình thành làng nghề, đưa vào cụm công nghiệp, mở rộng sản xuất phù hợp; hướng dẫn các cơ sở sản xuất miến dong nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm, phân khúc sản phẩm, khách hàng để nâng cao giá trị sản phẩm mở rộng thị trường phát huy chỉ dẫn địa lý sản phẩm dong riềng đã được công nhận.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh thu hút, kêu gọi nhà đầu tư tham gia liên kết mở rộng sản xuất, đầu tư dây chuyền công nghệ nhằm gia tăng giá trị mở rộng quy mô sản xuất sản phẩm miến dong Bắc Kạn.

- Sở Khoa học và Công xây dựng kế hoạch/chương trình để khai thác, phát huy lợi thế chỉ dẫn địa lý sản phẩm miến dong Bắc Kạn.

- UBND các huyện, đặc biệt là UBND huyện Ba Bể và UBND huyện Na Rì quan tâm chỉ đạo giữ vững vùng nguyên liệu dong riềng, hướng dẫn các cơ sở chế biến miến dong phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng, mẫu mã, giá trị sản phẩm, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của các cơ sở chế biến miến dong trên địa bàn.

Để phát triển bền vững sản phẩm miến dong Bắc Kạn các cơ sở chế biến miến dong trên địa bàn tỉnh cần quan tâm phát triển vùng nguyên liệu, cân bằng lợi ích giữa cơ sở chế biến miến dong và người dân trồng dong riềng đảm bảo có vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài.

Thúy Vân - TTKC

CỔNG THÔNG TIN GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NGÀNH CÔNG THƯƠNG BẮC KẠN

  • Địa chỉ: 34 Đường Trường Chinh - Thành Phố Bắc Kạn - Tỉnh Bắc Kạn.
  • Điện thoại: 0209-3810 292 - Fax: 0209-3810 292
  • Email: ttkcxt.ct@backan.gov.vn - khuyencongbackan@gmail.com
Giấy phép số 61/GP-TTĐT ngày 11/08/2023 của GĐ Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Kạn
Trưởng ban biên tập: Quách Mạnh Thắng - Giám đốc Trung tâm khuyến công và XTTM
Email: thangqm.ct@backan.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin giao dịch điện tử ngành Công thương Bắc Kạn" hoặc "http://xttmbackan.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này