Chức năng nhiệm vụ
Chức năng
1. Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (gọi tắt là Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Công Thương, có chức năng phục vụ quản lý nhà nước của Sở Công Thương về hoạt động khuyến công; cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp; Xúc tiến thương mại; Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp có sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
2. Trung tâm chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của Sở Công Thương Bắc Kạn, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Công Thương địa phương, Cục Xúc tiến thương mại và Vụ tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững thuộc Bộ Công Thương.
3. Trung tâm có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Trụ sở của Trung tâm đặt tại trụ sở Văn phòng Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn.
Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Về khuyến công:
a) Xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án về hoạt động khuyến công trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện khi được phê duyệt và giao nhiệm vụ.
b) Tổ chức đào tạo hoặc liên kết đào tạo nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
c) Xây dựng, lưu giữ và khai thác dữ liệu điện tử về công nghiệp nông thôn tại địa phương. Tuyên truyền, phổ biến các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về phát triển công nghiệp, hoạt động khuyến công tại địa phương.
d) Tổ chức các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, học tập kinh nghiệm, các hội thi, hội thảo, hội chợ, diễn đàn về khuyến khích phát triển công nghiệp địa phương.
đ) Tổ chức tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ khuyến công cho các đơn vị, cá nhân tham gia hoạt động khuyến công.
e) Vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện, máy móc, trang thiết bị, khoa học công nghệ để thực hiện chương trình, đề án khuyến công và tham gia hoạt động khuyến công tự nguyện tại địa phương.
f) Thực hiện hoạt động dịch vụ, tư vấn hỗ trợ phát triển công nghiệp địa phương trong các lĩnh vực: ưu đãi đầu tư; khoa học công nghệ; mặt bằng sản xuất; thông tin thị trường; tài chính, tín dụng; đào tạo, nâng cao năng lực quản lý và các lĩnh vực có liên quan khác.
g) Tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công và các chính sách khuyến công khác theo quy định của pháp luật.
h) Thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khuyến công; xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm theo các đề án, chương trình khuyến công.
2. Về Tư vấn:
a) Tư vấn lập dự án đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; về sản xuất sạch, vệ sinh công nghiệp, an toàn thực phẩm; đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại và các công trình dân dụng khác.
b) Tư vấn về khai thác, chế biến khoáng sản; tư vấn về kiểm tra an toàn, hiệu chỉnh các thiết bị khoan, máy nổ mìn trong hoạt động khoáng sản và thi công có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.
c) Tư vấn các lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; triển khai các biện pháp kiểm toán năng lượng, giải pháp kỹ thuật phục vụ việc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng tại cơ sở tiêu thụ năng lượng; thực hiện kiểm toán năng lượng theo các quy định của Nhà nước.
d) Cung cấp dịch vụ khảo sát, đo lường, đánh giá kết quả tiết kiệm năng lượng trong các cơ sở tiêu thụ năng lượng thuộc các đơn vị sản xuất công nghiệp, các cơ sở dịch vụ, thương mại, các tòa nhà, hệ thống chiếu sáng.
đ) Tổ chức các chương trình bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; tuyên truyền, thông tin, quảng bá và triển khai các hoạt động nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
3. Về Xúc tiến thương mại:
a) Xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án Xúc tiến thương mại quốc gia và địa phương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện khi được phê duyệt và giao nhiệm vụ.
b) Nghiên cứu, cập nhật các chủ trương chính sách phát triển thương mại, tình hình thị trường trong và ngoài nước để tư vấn, hướng dẫn, thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước, đẩy mạnh xuất khẩu, xây dựng và phát triển thương hiệu hàng Việt Nam.
c) Thu thập, xử lý và lưu trữ các thông tin về cơ chế chính sách, thông tin kinh tế, thị trường, tài chính tiền tệ, giá cả các mặt hàng trong và ngoài nước... để cung cấp cho các doanh nghiệp.
d) Thực hiện việc giới thiệu các doanh nghiệp trong tỉnh với các bạn hàng trong và ngoài nước để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tìm kiếm bạn hàng; hỗ trợ cho doanh nghiệp trong quá trình đàm phán, ký kết các hợp đồng kinh tế.
đ) Tổ chức và hướng dẫn cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm, chương trình quảng cáo, khuyến mại giới thiệu sản phẩm tại tỉnh, trong nước và nước ngoài nhằm giúp các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm dịch vụ một cách hiệu quả.
e) Phối hợp với các tổ chức có liên quan để tổ chức các hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn về thông tin, xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp, thương nhân thuộc các thành phần kinh tế trong tỉnh để không ngừng nâng cao trình độ quản lý, kinh doanh của người quản lý, cán bộ của doanh nghiệp.
f) Tổ chức trưng bày, triển lãm, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của tỉnh nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh giới thiệu sản phẩm tới khách tham quan trong và ngoài nước.
4. Thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp:
a) Tổ chức triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, đảm bảo tiến độ thực hiện trong dự án; trong trường hợp quá thời hạn quy định phải xin phép gia hạn và được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đầu tư.
b) Duy tu, bảo dưỡng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật chung của cụm công nghiệp trong suốt thời gian hoạt động; cung cấp các dịch vụ, tiện ích phục vụ sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp (nếu có).
c) Thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về đất đai, tài chính, kế toán, kiểm toán, thống kê, bảo hiểm, lao động, tiêu chuẩn về xây dựng, an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp, bảo vệ môi trường.
d) Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục triển khai đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp.
đ) Xúc tiến đầu tư, hướng dẫn thủ tục triển khai các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất di dời vào cụm công nghiệp;
e) Vận động, tiếp nhận dự án đầu tư vào cụm công nghiệp trên cơ sở quy hoạch chi tiết và ngành nghề sản xuất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
f) Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc xử lý đối với các dự án đầu tư trong cụm công nghiệp vi phạm pháp luật, đã ngừng hoạt động hoặc không thực hiện sau 12 tháng.
g) Được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
h) Hàng năm báo cáo Sở Công Thương và công bố công khai diện tích đất chưa cho thuê, cho thuê lại trong cụm công nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh và Cổng thông tin điện tử Sở Công Thương Bắc Kạn.
5. Các nhiệm vụ khác:
a) Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất về kết quả thực hiện nhiệm vụ của Trung tâm theo yêu cầu của Sở Công Thương, Cục Công Thương địa phương, Cục Xúc tiến thương mại và Vụ tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững thuộc Bộ Công Thương.
b) Đề xuất khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động Khuyến công, Xúc tiến thương mại, Tiết kiệm năng lượng và nhiệm vụ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.
c) Quản lý viên chức, người lao động, tài chính và tài sản của Trung tâm theo quy định của pháp luật đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
d) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở Công Thương giao.
Thúy Vân- TTKC