Kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển công nghiệp- thương mai, dịch vụ 6 tháng đầu năm ngành Công Thương Bắc Kạn
- Về phát triển công nghiệp
Khu vực công nghiệp là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh 6 tháng năm 2023 tăng 7,03% so với cùng kỳ năm 2022.Trong đó: Ngành khai khoáng tăng 6,22%; ngành chế biến, chế tạo tăng 6,67%; ngành sản xuất phân phối điện và khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 8,72%; nhóm ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,78%. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh 6 tháng năm 2023 ước đạt 776.384 triệu đồng, tăng 12,07% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 43,79% kế hoạch năm 2023.
Về cơ bản các sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ 2022, chỉ có 02 sản phẩm dự báo (ván dán và quần áo may sẵn) giảm do thị trường tiêu thụ suy giảm, trong đó sản phẩm ván dán được sản xuất tại KCN Thanh Bình gặp khó khăn trong xuất khẩu vì vụ việc điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC). Tuy nhiên, với sự tăng trưởng của các sản phẩm khác thì việc các chỉ tiêu chung của ngành công nghiệp đảm bảo đạt kế hoạch đã đề ra năm 2023 là hoàn toàn khả thi.
Hoạt động sản xuất công nghiệp tại một số nhà máy trên địa bàn tỉnh
- Về phát triển thương mại, dịch vụ
Hoạt động thương mại, dịch vụ tăng mạnh so với cùng kỳ, hàng hóa phong phú, đa dạng về mẫu mã, chủng loại đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân; các cơ quan chức năng đã theo dõi sát tình hình thị trường, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 4.197,528 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 59,76% kế hoạch năm 2023; Dự ước hết năm 2023 ước đạt 7.806 tỷ đồng, tăng 15,5% so với năm 2022, đạt 111,1% kế hoạch năm 2023.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 6,21% so với cùng kỳ, trong 11 nhóm hàng chính có 10 nhóm tăng giá, 1 nhóm giảm. Kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh đạt 11,0 triệu USD, bằng 54,37% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 28,57% kế hoạch năm 2023. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: Bột ôxit kẽm, Chì thỏi thô; Đũa gỗ, Gỗ dán ép, Gỗ ván sàn; Hoa quả chế biến… Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: Verneer nguyên liệu; Thiết bị dùng trong sản xuất gỗ dán ép; Chế phẩm hoá học, Bột oxit chì, Hệ thống tuyển quặng, Túi giấy xỏ đũa…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, thăm quan siêu thị Vinmart Bắc Kạn
Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2023, Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Thiếu nguyên, nhiên liệu cho sản xuất; hàng hóa trong kho tồn đọng nhiều;...; Một số dự án công nghiệp, dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp triển khai còn chậm so với kế hoạch; Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt thấp so kế hoạch, giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022.Chưa thu hút được các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách vào đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại, nhất là ở địa bàn nông thôn. Hạ tầng thương mại, trong đó đặc biệt là hệ thống chợ đã xuống cấp chưa được cải tạo, sửa chữa.
Dự báo trong 6 tháng cuối năm 2023, hoạt động sản xuất ngành công nghiệp tiếp tục diễn ra ổn định, các chỉ tiêu công nghiệp phấn đấu đạt kế hoạch đề ra từ đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 1.773,135 tỷ đồng, tăng 11,9% so với thực hiện năm 2022 và đạt 100% kế hoạch năm 2023, trong đó có dư địa đóng góp vào sự tăng trưởng chủ yếu từ một số nhóm sản phẩm như: Nhóm công nghiệp khai khoáng với sản phẩm tinh quặng sắt, tinh quặng chì...Kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh đạt 26,2 triệu USD, giảm 36,4% so với năm 2022 và đạt 68,1% kế hoạch năm 2023, trong đó: kim ngạch xuất khẩu ước đạt 18,6 triệu USD, giảm 44,3% so với năm 2022, đạt 28,46% kế hoạch năm 2023 và kim ngạch nhập khẩu ước đạt 7,6 triệu USD, giảm 2,6% so với năm 2022, đạt 39,2% kế hoạch năm 2023.
Một số giải giải pháp trọng tâm được ngành Công Thương đặt ra trong 6 tháng đầu năm gồm:
- Tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao và triển khai các nhiệm vụ phát sinh đảm bảo thời hạn, chất lượng, hiệu quả;
- Thường xuyên rà soát, thăm nắm tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ yếu, có giá trị gia tăng cao để kịp thời gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Bám sát tiến độ triển khai các dự án công nghiệp, dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp để kịp thời báo cáo UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các dự án triển khai thực hiện theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra.
- Tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và phát triển thị trường: Triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng; tiếp tục tăng cường thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm nông, lâm nghiệp, sản phẩm OCOP của tỉnh, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại; tiếp tục triển khai có hiệu quả các đề án, nhiệm vụ khuyến công năm 2023.
- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; chủ động phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cơ quan, đơn vị./.
Thúy Vân-TTKC