Hội nghị giao ban công tác xúc tiến thương mại khu vực phía Bắc năm 2023
Ngày 03 tháng 3 năm2023, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội nghị giao ban công tác xúc tiến thương mại khu vực phía Bắc năm 2023 tại thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Đến dự và chỉ đạo Hội nghị về phía Bộ Công Thương có ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại; đại diện lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn có bà Đoàn Thu Hà - Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Đình Đại - Giám đốc Sở Công Thương, cùng với sự tham gia của 16 sở Công Thương, 22 Trung tâm Xúc tiến thương mại, đại diện các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp của khu vực phía Bắc.
Hội nghị giao ban công tác xúc tiến thương mại khu vực phía Bắc năm 2023
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương đã đánh giá năm 2022 là năm có nhiều khó khăn, thách thức, nhiều yếu tố bất lợi đối với tình hình trong nước và trên thế giới, tuy nhiên hệ thống cơ quan xúc tiến thương mại trên cả nước đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại chủ động, sáng tạo trong triển khai, thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ kết nối cung cầu hàng hóa, duy trì và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong nước và xuất khẩu. Năm 2022, xuất nhập khẩu lập kỷ lục mới với tổng kim ngạch đạt hơn 732,5 tỷ USD, tăng gần 10% sơ với năm 2021, đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế (trong đó xuất khẩu tăng 10,6%, đạt gần 372 tỷ USD, vượt chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao; nhập khẩu tăng gần 8,4%).
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Tại Hội nghị, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cũng đã đánh giá kết quả công tác xúc tiến thương mại của hệ thống cơ quan xúc tiến thương mại địa phương năm 2022, đánh giá những kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai công tác tiến thương mại tại địa phương. Hội nghị cũng đã được nghe các ý kiến tham luận, những chia sẻ, kiến nghị của đại diện một số Sở Công Thương, hiệp hội, ngành hàng trong khu vực để nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, cơ chế phối hợp trong việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại cấp vùng, miền, quốc gia.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phát biểu tại Hộ nghị
Cục Xúc tiến thương mại đã định hướng công tác xúc tiến thương mại năm 2023 và trong thời gian tới sẽ tập trung triển khai góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; Quán triệt khẩn trương thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt các cơ hội mở cửa thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, thị trường lân cận còn nhiều tiềm năng, thị trường đối tác ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới và các thị trường mới có tiềm năng; Thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023, đưa ra 6 giải pháp cụ thể:
1. Trong thời gian tới, cần tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Thúc đẩy đa dạng hóa thị trường để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống; mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi, đồng thời tăng cường đa dạng hóa các chuỗi cung ứng. Tận dụng tốt cơ hội Trung Quốc mở cửa sau khi kiểm soát được dịch bệnh.
2. Khẩn trương triển khai ngay hoạt động xúc tiến thương mại ngay từ đầu năm, chủ động chuẩn bị thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm đặc biệt nông sản có tính mùa vụ tránh tình trạng ùn ứ, được mùa mất giá nông sản khi đến vụ.
3. Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Đẩy mạnh công tác xây dựng, phát triển và tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm thương hiệu quốc gia, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và thương hiệu ngành hàng ở thị trường nước ngoài; Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm, ngành hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam.
4. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong, chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, xây dựng và phát triển thương hiệu hàng Việt Nam ở các thị trường ngoài nước.
5. Xúc tiến thương mại đẩy mạnh chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu nhằm tham gia sâu và có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
6. Tăng cường, khuyến khích các hoạt động XTTM thúc đẩy nhập khẩu thiết bị máy móc hiện đại, công nghệ nguồn, nguyên liệu đầu vào phục vụ cho chế biến sâu, có hàm lượng giá trị gia tăng cao phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu./.
Hồng Ngân