Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực - RCEP
Tham dự Hội nghị còn có sự hiện diện của: Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến; đại diện lãnh đạo các đơn vị chuyên môn của Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; đại diện các Bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội ngành hàng cùng các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương đến đưa tin về sự kiện. Hội nghị có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với sự phát triển chung của cả nước, mà còn đối với sự phát triển của mỗi địa phương, mỗi hiệp hội ngành nghề và mỗi doanh nghiệp.
Tại điểm cầu Sở Công Thương Bắc Kạn có sự tham dự của Lãnh đạo Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các phòng chuyên môn liên quan.
Hiệp định RCEP – danh từ, trong tiếng Anh được gọi là Regional Comprehensive Economic Partnership, viết tắt là RCEP. Hiệp định RCEP hay còn gọi là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, là một hiệp định thương mại tự do giữa các quốc gia thành viên của ASEAN với 6 đối tác đã có FTA với ASEAN, bắt đầu đàm phán từ ngày 9/5/2013. (Theo Association of Southeast Asian Nations – ASEAN)
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là một hiệp định nhằm mở rộng và làm sâu sắc hơn sự gắn kết giữa ASEAN và Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Tổng các nước tham gia RCEP chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và 30% dân số thế giới. Mục tiêu của Hiệp định RCEP là thiết lập một nền tảng quan hệ đối tác kinh tế hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và cùng có lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng thương mại và đầu tư trong khu vực, đồng thời đóng góp vào sự tăng trưởng và phát triển kinh tế toàn cầu. Theo đó, Hiệp định sẽ mang lại cơ hội thị trường và việc làm cho doanh nghiệp và người dân trong khu vực. Hiệp định RCEP sẽ song hành và hỗ trợ một hệ thống thương mại đa phương cởi mở, bao hàm và dựa trên các quy tắc.
Việc đưa Hiệp định RCEP với một quy tắc xuất xứ chung áp dụng cho 15 nước vào thực thi được kỳ vọng sẽ tạo ra những cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển các chuỗi cung ứng mới, đồng thời mở ra một không gian sản xuất chung và một “siêu” thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài trong khu vực, bởi các nước tham gia Hiệp định RCEP có nhiều nước được xem như là nơi sở hữu, cung ứng nguyên liệu, vật tư chiến lược lớn của thế giới (như Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước ASEAN) và là các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm trên 1/2 tổng kim ngạch thương mại của cả nước. Đây sẽ là những điều kiện quan trọng, tạo thuận lợi cho các ngành hàng, doanh nghiệp Việt Nam đa dạng và tối ưu hóa nguồn nguyên liệu đầu vào để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, đồng thời tạo thuận lợi hóa thương mại, thúc đẩy xuất khẩu, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Sau hơn 3 giờ làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị đã cơ bản hoàn thành các nội dung chương trình đề ra. Hội nghị đã nghe giới thiệu tổng quan về Hiệp định RCEP, Kế hoạch thực hiện Hiệp định của Chính phủ và các tham luận của đại diện các Bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp về các cơ hội, khó khăn, thách thức và giải pháp cần thiết nhằm tận dụng có hiệu quả những ưu đãi của Hiệp định để thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường các nước trong khu vực RCEP.
Sau Hội nghị này, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tổng hợp đầy đủ kiến nghị, đề xuất của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo; đồng thời, hỗ trợ các địa phương, ngành hàng và doanh nghiệp nhằm tận dụng tốt nhất những ưu đãi của Hiệp định, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu.
Thúy Vân- TTKC